(Khan Cầm) Cầm tâm kiếm phách - Thượng

Cầm Tâm Kiếm Phách

Cổ Kiếm Kỳ Đàm đồng nhân
Khan Du x Thái Tử Trường Cầm

Tác giả: Chỉ Tiêm Đích Vịnh Thán Điệu
Dịch: Quick Translator
Biên tập bản dịch: Triêu Nhan

*Hiện tại đang bấn cp Khan Du x Thái  Tử Trường Cầm trong game Cổ Kiếm Kỳ Đàm, bấn quá chịu không nổi nên dù nợ nần chồng chất, hố hang nheo nhóc mình vẫn xông pha lăn vào ổ ngược Cổ kiếm XD. Đoản này mình chia làm ba phần, tác giả viết dựa theo cốt truyện trong game. *chỉ chỉ hình phía dưới* Bạn rồng bên trái là ứng long Khan Du, bạn phượng bên phải là Thái Tử mỹ nhân nha~

Dao Sơn Di Vận – Cổ quyển

Thời Thái Cổ.
 
Chúng thần cư ngụ tại Hồng Nhai Cảnh giữa nhân gian.

Hoả thần Chúc Dung dùng thần mộc ở Dao Sơn để làm đàn.

Tạo thành ba cây,

Đặt tên là Hoàng Lai, Loan Lai, Phượng Lai.

Chúc Dung vô cùng yêu quý ba cây đàn này.

Đặc biệt là Phượng Lai.

Thường xuyên mang ra đàn.

Phượng Lai trở nên có linh tính,

Có hình thái của con người,

Nói được tiếng người.

Chúc Dung vui vẻ,

Bèn nhờ Địa hoàng Nữ Oa,

Dùng thuật khiên mệnh dẫn hồn,

Khiến cây đàn có được sinh mệnh hoàn chỉnh,

Mệnh danh Thái Tử Trường Cầm,

Chúc Dung thương yêu y như con.

Thái Tử Trường Cầm tính nết ôn hoà trầm tĩnh,

Ngày thường ngoại trừ thanh tu rất thích đến Dao Sơn yên tĩnh đánh đàn giải khuây.

Vì vậy y kết bạn với Khan Du,

Vốn là một con thuỷ huỷ (1) ở bên bờ nước Dao Sơn.

Khan Du tuy nhỏ bé,

Nhưng nó tin chắc rằng mình khác với những con huỷ khác.

Một ngày nào đó nhất định sẽ tu luyện thành ứng long (4) thông thiên triệt địa.

Nó ước hẹn với Thái Tử Trường Cầm,

Nếu trở thành ứng long,

Sẽ để Thái Tử Trường Cầm ngồi bên sừng của nó

Mang y lên trời xuống biển,

Cưỡi gió lướt mây,

Chu du sơn hà.

Dao Sơn Di Vận – Trường Cầm

Năm đó ta chỉ có một cây đàn Cửu Tiêu Hoàn Bội.

Phụ thân bận rộn với sự vụ của chư thần, không còn thời gian để ý đến những việc khác. Ta liền mang theo đàn, rời khỏi tầng tầng cung quỳnh điện ngọc, tìm đến một nơi tên gọi là Dao Sơn.

Dao Sơn non xanh nước biếc, cảnh đẹp như tranh, phong sương vũ lộ, trong lành thanh nhã.

Cảnh đẹp như vậy, khiến ta bồi hồi không đi.

Phóng mắt nhìn ra sông núi xa xa, tựa như một bức tranh thuỷ mặc. Ngẫu cảm cảnh mây núi hoàng hôn, ráng chiều chìm nổi, ánh chiều lưu luyến, ta liền đàn một khúc.

Gió vốn vô tình, khúc chẳng lưu tâm.

Thế nhưng không biết từ đâu, một con thuỷ huỷ màu đen chầm chậm bơi lại.

Vừa lưu ý đến con ngươi màu vàng kim khác thường của nó, liền nghe nó hỏi: Khúc này gọi là gì, nghe hay như vậy?

Khúc đã kết thúc, tiếng đàn dần trôi xa, dây đàn vẫn còn run rẩy.

Ta chậm rãi đáp: U Lan.

Tên của nó là Khan Du.

Ở Dao Sơn này, thuỷ huỷ nhiều vô cùng, nhưng tuyệt nhiên không thấy được con ngươi màu vàng kim.

Khi ta nói như vậy, con rắn nhỏ đang lẳng lặng cuộn tròn bên cạnh đàn liền ngẩng đầu cười: Trường Cầm phải chăng muốn nói ta sẽ có một ngày tu thành ứng long?

Ánh mắt của nó trong suốt, sáng ngời.

Tay ta chầm chậm lướt trên dây đàn, đáp: Tu vi không cao, khẩu khí lại không nhỏ.

Khan Du cười thật lâu, sau đó mới nghiêm túc nói: Chung Cổ chẳng phải cũng là một con thuỷ huỷ tu thành ứng long? Nó có thể, ta đương nhiên cũng có thể.

Truyền thuyết kể rằng Chung Cổ vốn là con của Chúc Long, sao có thể đánh đồng tầm thường? Ngay cả chúng thần cũng phải kiêng kỵ nó ba phần.

Nhưng mà ta chỉ nói: Theo ta thấy, có trở thành ứng long được hay không cũng không quan trọng, cho dù chỉ là giác long (3), cũng có thể bay lượn trên chín tầng trời, ngao du tự tại.

Khan Du lắc lắc cái đuôi, nhỏ giọng nhưng kiên định nói: Vẫn là ngươi hiểu được tâm tư của ta. Ta không cam tâm vĩnh viễn chỉ là một con thuỷ huỷ nho nhỏ, cả đời không thể rời khỏi Dao Sơn. Tu thành rồng rồi, muốn đi đâu thì đi, không bị trói buộc nữa.

Ta không tranh luận với nó, cúi đầu đánh đàn, một lúc sau chậm rãi nói: Tính tình của ngươi, thích động không thích tĩnh, nếu cả đời chỉ có thể ở Dao Sơn, xác thực là buồn bực.

Không chỉ buồn, quả thật là buồn chết…

Khan Du đáp như vậy.

Nhàn thoại dần trôi xa.

Sau lại, trở về Hồng Nhai, ta vẫn lưu luyến phong cảnh Dao Sơn.

Khan Du thích nghe nhạc, mà ta thì thích đánh đàn.

Sông núi giao hoà, huyền ca sớm tối, không biết hỉ nộ ưu tư, không biết gió mưa nắng hạn.

Thời gian như nước trôi, bất giác đã qua năm.

Khan Du lòng ôm chí lớn, thường nói với ta: Ngươi ngày ngày đến đàn cho ta nghe, ta không có gì báo đáp, đợi đến ngày ta tu luyện thành ứng long thông thiên triệt địa, sẽ để ngươi ngồi bên sừng rồng của ta, cưỡi gió lướt mây, ngắm khắp quang cảnh sơn hà.

Khan Du, trong núi không biết năm tháng, lâu dần tâm tĩnh như nước, đánh đàn tấu nhạc cũng chỉ để khuây khoả, nhưng nếu không có ngươi làm bạn, không khỏi quá cô đơn, sao có thể nói báo đáp?

Có điều, lời của ngươi ta sẽ ghi nhớ, nếu như mấy ngàn năm sau Khan Du có thể tu thành ứng long, ước định ngày hôm nay vĩnh viễn bất biến.

Ước định hôm nay, vĩnh viễn bất biến.

Hoa âm ba nghìn, lưu luyến không thôi.

Ngày trở về, chỉ có một khúc nhạc gửi lại.

Khan Du im lặng thật lâu, nhạc đã ngừng, trăng đã lặn, mới trầm giọng hỏi: Không thể nán lại thêm vài ngày sao?

Ta lắc đầu từ chối: Phụ thân đã quyết theo Phục Hy đại nhân dựng Mộc Thiên thê rời khỏi nhân gian, lên thiên giới. Ta đương nhiên phải cùng đi. Bắt tay dựng thiên đình, bề bộn nhiều việc, có lẽ chúng thần sẽ bận rộn khá lâu. Ta phải ở bên giúp đỡ phụ thân, chỉ là đi như vậy, không biết đến lúc nào mới có thể quay lại Dao Sơn.

Khan Du buồn bực cúi đầu: Khi nào ngươi có thời gian hạ phàm, nhớ đến Dao Sơn tìm ta. Còn mấy trăm ngày nữa là ta có thể thành giao (2) rồi.

Nghe nói thuỷ huỷ tu luyện năm trăm năm thành giao, nghìn năm thành rồng, thêm năm trăm năm nữa thành giác long, nghìn năm thành ứng long. Đáng tiếc… ta lại không có duyên được thấy tận mắt.

Ly biệt trước mắt, muốn nói lại thôi, chỉ có thể thản nhiên khuyên nhủ: Trong lòng ngươi ôm chí lớn, không nên mai một, cố gắng tu hành, ắt sớm có ngày được như sở vọng.

Khan Du uể oải nói: Nhất định như vậy. Đợi ta trở thành ứng long, có thể hô phong hoán vũ, cũng có thể thực hiện ước định trước kia với ngươi.

Ta mỉm cười, vì vậy chia tay.

Cửu Tiêu Hoàn Bội lưu lại nhân gian.

Thái Tử Trường Cầm mang theo một lời hẹn ước rời đi.

Chỉ là, Khan Du một mình ở lại nhân gian, nhất định rất tịch mịch. Nếu như có thời gian rảnh rỗi, chắc chắn ta sẽ xuống thăm nó.

Thế nhưng ta đã quên một ngày trên trời, một năm trần thế.

Quay về chốn cũ, đã không còn bóng dáng cố nhân.

Dao Sơn quang cảnh như xưa, ôn nhu như cũ.

Mà những chuyện ngày xưa, thoáng qua như mộng.

Dao Sơn Di Vận – Khan Du

Thuỷ huỷ năm trăm năm thành giao, nghìn năm hoá rồng, lại thêm năm trăm năm sẽ thành giác long, nghìn năm thành ứng long. Loài rồng, tiết xuân phân lên trời, tiết thu phân xuống biển, hô phong hoán vũ, không gì không thể.

Nghe nói có vị thần Chung Sơn, gọi là Chúc, mở mắt là ban ngày, nhắm mắt là ban đêm, hà hơi là đông, thở ra là hạ, không ăn, không uống, thân dài vạn dặm, ở vô tận phương bắc, chỉ có mình hắn, mặt người, thân rắn, toàn thân đỏ thẫm, sống dưới Chung Sơn.

Đàn thuỷ huỷ mỗi lần nhắc tới vị Chúc Long này đều là vô cùng cung kính, nói đến tên hắn là phải quay ra lạy một lạy.

Đoạn miêu tả Chúc Long phía trên đại khái là đoạn văn chương bay bổng duy nhất mà ta có thể đọc thuộc lòng. Nói thật ta rất ghét mấy thứ văn thơ gì đó.

Hừ, ăn không được nhìn không được, còn chua muốn rụng răng.

Ta tên là Khan Du, hiện tại là một con thuỷ huỷ.

Thế nhưng có một ngày ta nhất định sẽ trở thành một con ứng long thông thiên triệt địa.

Ta sống ở Dao Sơn, là một nơi đẹp đến chán muốn chết.

Tuy rằng cảnh vật mỗi năm cũng không phải là hoàn toàn giống nhau, nhưng mà vẫn đẹp như nhau. Cảnh đẹp như nhau thì tóm lại là không khác nhau mấy, năm nào cũng nhìn, nhìn đi nhìn lại, lão tử sắp buồn chết rồi!

Cho nên ta nhất định phải hoá rồng, ít nhất phải biết cưỡi mây đạp gió, rời khỏi cái nơi nhỏ bé này.

Mỗi ngày ta đều nằm dưới đáy nước hấp thu tinh hoa nhật nguyệt.

Mỗi con thuỷ huỷ trông không khác nhau là mấy, tu vi cũng chỉ bình thường như nhau. Nhưng mà ta không giống chúng. Ta đã thấy rất nhiều con thuỷ huỷ ở Dao Sơn, chỉ có mỗi ta là có đôi mắt màu vàng kim.

Cho nên ta nhất định sẽ tu thành ứng long.

Ngày hôm đó ta đang nằm dưới đáy nước, đột nhiên nghe có người đánh đàn.

Ta không hiểu gì về âm nhạc, nhưng mà ta cảm thấy người đánh đàn nọ hẳn là rất tịch mịch.

Tiếng đàn của y hay đến nỗi mây ở trên trời đều tan đi hết, Dao Sơn rung động, mỗi gốc cây ngọn cỏ dòng nước đều hoà xướng cùng tiếng đàn của y, tinh hoa khắp nơi ngưng tụ về phía y, ta thuận tiện cũng bơi về phía đó.

Ta không biết y, có điều cầm nghệ như vậy khẳng định phải là nhạc thần.

Lần đầu nhìn thấy y, quả nhiên là một kẻ thư sinh văn nhã.

Nhưng mà y là một người rất đặc biệt. Cho dù không cần phải cố ý ra vẻ gì hết thì bộ dạng của y ánh vào mắt người khác lúc nào cũng vẫn đẹp như tranh như hoạ.

Sau lại, ta nghe nói chiều hôm đó, toàn bộ hoa của Dao Sơn đều nở rộ không quản mùa màng.

Ta cười mấy con rắn ngốc không trải sự đời, tuy nhiên lúc đó chính ta cũng bị doạ sửng sốt. Chạy khắp nơi hỏi tên y – Thái Tử Trường Cầm – quả nhiên là nhạc thần.

Ha ha, đám thuỷ huỷ không có ánh mắt các ngươi, Khan Du ta hiện tại là người duy nhất có thể khiến nhạc thần vì ta mà đánh đàn đấy.

Sau lại Trường Cầm thỉnh thoảng lại đến Dao Sơn, mỗi lần ta đều mặt dày mày dạn chạy tới nghe đàn.

Tiếng đàn của y rất đẹp, có điều không phải “đẹp” giống như cảnh đẹp của Dao Sơn. Ừ, ta cũng không biết là không giống ở chỗ nào, tuy rằng cũng là bình thản, bất quá ta nghe mãi mà không chán.

Trường Cầm rất an tĩnh. Lúc đánh đàn cũng vậy. Mỗi lần y im lặng thật lâu không nói, ta đều thấy trong lòng lo lắng bất an, cảm giác chỉ cần chớp mắt một cái y liền biến mất, hoặc có lẽ không cần chớp mắt y cũng lập tức biến mất.

Vì vậy ta bắt chuyện với y. Chuyện gì cũng được, tóm lại chỉ cần nghe được giọng của y, ta mới cảm thấy an tâm một chút.

Có một ngày tình cờ nhắc đến vận mệnh, Trường Cầm nói: Chức Nữ bên sông Ngân từng nói với ta, giữa sông có một Tinh Thần cung, mà giữa Vong Xuyên hà ở cõi âm cũng có một Địa U cung. Bên trong hai cung điện này, vận mệnh vẫn không ngừng luân chuyển, tập hợp sức mạnh thiên địa âm dương. Vận mệnh của mỗi sinh linh từ khi sinh ra đã được khắc lại trên khay vận mệnh. Ngay cả thần cũng không thể dễ dàng thay đổi, nếu như tuỳ ý thay đổi, trật tự vạn vật sẽ bị phá hỏng, hậu quả thật không dám tưởng tượng.

Ta có chút hoảng sợ, cảm thấy lời của y giống như đang dự đoán tương lai.

Ta không biết y nghĩ gì. Ta cũng không biết thần nghĩ gì. Có lẽ là ta thô lỗ, ta thật sự không hiểu thiên đạo, vận mệnh, số phận gì gì đó. Ta cũng không tin tưởng chúng nó.

Bối rối nói vài câu, ta cũng không nhớ ta đã nói những gì. Trường Cầm đột nhiên rủ xuống mi mắt, nói: Nào có, Hồng Nhai Cảnh chỉ toàn là sách cổ, đọc nhiều không khỏi cảm thấy khô khan, ta thà rằng đến Dao Sơn đánh đàn giải khuây.

Ta ở trong lòng cổ vũ chính mình, cố làm ra vẻ bình tĩnh nói: Tóm lại lúc nào ngươi cảm thấy buồn chán cứ đến tìm ta, ta luôn ở chỗ này.

Y mỉm cười, lại cúi xuống đánh đàn.

Đó là lần đầu tiên ta cảm thấy muốn đánh y.

Này, ý ngươi rốt cuộc là như thế nào – không muốn đến cứ nói thẳng!

Thế nhưng kể từ ngày đó, Thái Tử Trường Cầm thường xuyên đến Dao Sơn.

Ta cảm thấy hoa cỏ ở Dao Sơn, bởi vì tiếng đàn của y, trở nên tươi tốt vô cùng.

Ta còn cảm thấy dạo gần đây tâm tình của mình cũng vui vẻ đến bất thường… Chẳng lẽ ta cũng…

A bậy!

Ta nghiêng đầu nói với Trường Cầm: Ngươi ngày ngày đến đàn cho ta nghe, ta không có gì báo đáp, đợi đến ngày ta tu luyện thành ứng long thông thiên triệt địa, sẽ để ngươi ngồi bên sừng rồng của ta, cưỡi gió lướt mây, ngắm khắp quang cảnh sơn hà.

Thật ra lời thoại văn vẻ này ta đã chuẩn bị từ rất lâu.

Trường Cầm quả nhiên đồng ý.

Ta biết y nhìn bề ngoài tuy rằng rất bình thản, nhưng mà rất nhiều việc đều cất giữ trong lòng.

Y nói: Ước định ngày hôm nay vĩnh viễn bất biến.

Hay lắm! Ta sẽ nhớ kỹ lời này. Nếu như ngươi dám bội ước, bất kể ngươi đánh đàn hay thế nào mặt mũi đẹp thế nào, ta nhất định đánh ngươi!

Sau lại y đi mất.

Hừ, ta cũng không muốn nói nhiều. Có cái gì để nói chứ, muốn đi thì đi đi!

Kết quả lúc ta hoá thành giao rồi, y vẫn không quay trở lại. Ta tức đến mức trở mình cuồn cuộn giữa hồ, đánh văng khối đá chỗ  y thường hay ngồi đánh đàn xuống đáy hồ.

Ngày hôm sau ta tìm khắp núi mới tìm được một khối đá tương tự, mệt gần chết mới kéo được nó trở về đặt vào chỗ cũ, nhìn không ra dấu vết…

Mệt chết ta! Ta việc gì phải buồn chán như vậy!


Một năm sau, còn chưa quay lại!


Mười năm sau, còn chưa quay lại.


Này! Đã trăm năm rồi, ngươi rốt cuộc có quay lại thăm ta hay không?!

… Một trăm linh một năm, quả nhiên không quay lại.

Cũng phải, dù sao y cũng là nhạc thần, lão cha của y lại là Chúc Dung, lão đại là Phục Hy, hẳn là rất bận rộn…

… Thật đáng giận!!!

Ta cũng đi. Nghe người ta nói, cứ ở mãi một nơi sẽ không thể tu thành rồng.

Hiện tại ta đã có thêm một lý do để biến thành ứng long, không lý nào cứ chờ mãi ở một nơi.

Ta để thư lại cho Trường Cầm, tuy rằng chữ rất xấu… Nhưng mà ta tin chắc y sẽ đọc được. Năm xưa ta hừ bậy hừ bạ mấy điệu nhạc dân gian mà y còn có thể nghe ra được điệu nào… Chậc, điệu nào kìa?

… Đáng giận, chẳng lẽ ta đã già thật rồi? Không nhớ nổi nữa…

Nhưng mà, ta vẫn nhớ kỹ ngươi, Thái Tử Trường Cầm. Cư nhiên bắt ta chờ ở Dao Sơn lâu như vậy.

Hiện tại ta đi chu du tứ hải, hừ, ngươi có đến ta cũng không về.

Đợi đến ngày ta tu thành ứng long, dù ngươi không hạ phàm tìm ta, ta cũng sẽ lên Thiên đình tìm ngươi.

Chúng ta còn có một ước định.

… Kỳ thực… Kỳ thực ta cũng không nghĩ tới chuyện báo ân gì gì đó. Ta chỉ cảm thấy, thế gian rất rộng lớn, cho dù có là ứng long, muốn bay hết thế gian này cũng cần rất lâu, hơn nữa, thế gian rộng lớn như vậy, có rất nhiều nơi chúng ta có thể cùng ngắm, thật dài thật lâu.

Ta… Có rất nhiều lời muốn nói với ngươi… Có rất nhiều cảnh đẹp muốn đưa ngươi đi xem…

Quên đi, đợi đến lúc ngươi nhớ ra hạ phàm thăm ta, hoặc đợi đến lúc ta trở thành ứng long đi tìm ngươi, nhất định sẽ có cơ hội.



Chú thích:

(tài liệu trích từ Thời Đại – http://thoidai.com.vn)

(1) Hủy

Trong gia phả nhà rồng, hủy ở ngôi vị thứ hai, sau quỳ. Kí ức của con người về hủy rất mờ nhạt. Nhiệm Phỏng (đời Lương) trong cuốn Thuật dị kí viết: “hủy năm trăm năm hóa thành giao”. Những tưởng tượng của người xưa về hủy đều xuất phát từ hình ảnh loài rắn hổ mang. Hàn Phi Tử từng mô tả: “trong dòng xà có con hủy, một thân hai miệng, tranh ăn rồi cắn nhau, bèn tự giết chết mình”. Hủy thành biểu tượng cho sự tàn độc, chết chóc. Hình vẽ hủy thường xuất hiện trong chuông đỉnh cuối thời Tây Chu, nhưng không nhiều.

(2) Giao hay giao long

Ở Việt Nam, còn có tên khác là con thuồng luồng. Tuy nhiên, “giao” ở đây không phải Giao Chỉ. Giao long không phải con rồng chỉ có ở nước ta như một số học giả vẫn quan niệm. Kì thực, giao gốc gác ở Trung Quốc và nó có vị trí thứ ba trong phả hệ nhà rồng.

Chi tiết khác biệt cơ bản về hình thức của giao là lớp vảy bao phủ thân mình. Giao được quan niệm là thủ lĩnh của muôn loài thủy tộc. Giao là biểu trưng cho sức mạnh, cho quyền uy, nhưng cũng là hiện thân của cái ác.

Tuy vậy, trong văn học cổ, giao long thường được dùng để ví với người quân tử tài năng chớp được cơ hội. Nhà văn Tô Đông Pha trong Tiền Xích Bích phú từng dùng hình ảnh con giao long tung mình từ vực sâu nhảy múa để ví với Tào Tháo lúc múa giáo ngâm thơ xung trận. Đường Lục Nhân trong Tục thủy kinh cũng nói: con rắn thần đẻ trứng dưới đất, một nghìn năm sau hóa thành con giao, Hán Vũ Đế bắn chết nó ở bến Tầm Dương, về sau làm nên nghiệp đế vương.

(3) Giác

Giác thuộc hàng hậu bối. Cũng trong sách Thuật dị kí có nói: “rồng năm trăm năm hóa thành giác, nghìn năm hóa thành ứng”. Giác có chiếc sừng lớn mọc ngay đỉnh đầu, chân có năm móng nhọn, râu và bờm dài. Theo các tài liệu thời Chiến Quốc ghi chép lại, giác trở thành hình mẫu hoa văn chỉ dành riêng cho bậc đế vương. Trên y phục, đồ trang sức, các vật dụng hàng ngày của vua và trong cung điện mới được dùng hình con giác để trang trí. Giác tượng trưng cho quyền uy và sự trường tồn.

(4) Ứng

Thế hệ tiếp theo giác là ứng. Ứng được coi là rồng thành tinh, vì già mà mọc cánh. Tương truyền ứng xuất hiện từ thời Ngũ Đế. Khi ấy, Hoàng đế là thủ lĩnh bộ lạc ở lưu vực sông Hoàng Hà bị quân Xuy Vưu quấy nhiễu. Ứng từng phụng mệnh Hoàng đế thảo phạt Xuy Vưu và trở thành công thần bậc nhất. Câu chuyện này được ghi chép trong Sơn hải kinh và Sử kí của Tư Mã Thiên (đời Hán). Vương Gia (đời Tấn) trong sách Thuật dị kí viết: “Lúc vua Đại Vũ trị hồng thủy, có con rồng vàng (chính là ứng) quất đuôi đi đằng trước”. Lúc đến chân núi Vu, rồng đã nhổ bật ngọn núi, từ đó mà Trường Giang, Hoàng Hà mới khơi thông ra biển.

0 comment:

♥ Nói gì đi chứ...

( ̄▽ ̄) | (⊙﹏⊙) | (; ̄Д ̄) | ( ̄3 ̄) | (ノ≧益≦)ノ | (¬д¬。) | (〜 ̄▽ ̄)〜 | (●ω●) | (= ̄ω ̄=) | ㄟ(^∇^)ㄏ | (づ ̄ ³ ̄)づ♥ | щ(゚Д゚щ) | (屮゚Д゚)屮 | \("▔□▔)/ | (╬ ̄皿 ̄)凸 | (╯‵□′)╯︵┻━┻ | ಠ_ಠ | (≧∇≦) | (*´▽`*) | ( ̄ー ̄) | (●^o^●) | ╮[╯▽╰]╭ | O(∩_∩)O | ╮(╯_╰)╭ | ╮( ̄▽ ̄")╭ | *^﹏^* | Σ( ° △ °|||) | ~(‾▿‾~) | [* ̄︶ ̄]y | (⊙o⊙) | (─‿‿─) | (¯―¯٥)